Năm năm chung sống với 3 lần mang thai nhưng cả ba lần chị Trang đều không được làm mẹ. Anh chị chạy chữa khắp mọi nơi nhưng càng mong con lại càng không thấy. Chị quyết định chia tay anh…
Bị nói mát “không biết đẻ”
Nghĩ lại cuộc hôn nhân đầu, chị Trang vẫn không khỏi ngậm ngùi. Chị lấy chồng khi cả hai đều trẻ, khỏe. Thế những 5 năm sống cùng chồng là 5 năm chị sống trong buồn bã, lo âu.
“Lấy nhau được 3 tháng tôi có bầu lần đầu tiên. Cả nhà mừng lắm. Riêng chồng tôi thì mừng ra mặt, anh chăm bẵm tôi từng miếng ăn cho đến giấc ngủ. Thế rồi, thai được 7 tuần, khi tôi đi làm về thì bị ra máu. Vào viện ngay nhưng bác sĩ cho biết tôi đã bị sảy thai”- chị Trang kể lại.
Cứ nghĩ do không chú ý giữ gìn, nên hại vợ chồng tự an ủi nhau cố gắng lần sau. Sáu tháng sau, chị có thai lại. Lần này chị không dám làm việc nặng, thậm chí đi làm cũng nhờ chồng đưa đón. Thế nhưng chỉ đến tuần thai thứ 10 thì lại bị hỏng.
“Sự chán nản đã dần xuất hiện ở nơi chồng. Bố mẹ chồng không nói thẳng nhưng cũng ra vào lẩm bẩm không biết đẻ. Tôi buồn nhưng cố nén vào trong, cố gắng tẩm bổ, uống gần 100 thang thuốc bắc để chuẩn bị cho lần mang thai thứ 3. Và tôi cũng có thai lại. Suốt thời gian đầu, tuần nào tôi cũng đi khám thai, uống đầy đủ thuốc do bác sĩ kê đơn thế nhưng vẫn không giữ được”- chị Trang ngậm ngùi nói.
Chị bảo, giá như không có bầu thì có lẽ chị không suy nghĩ nhiều, khổ sở như thế. Đằng này rõ ràng là có bầu nhưng không thể nào giữ được, nhà chồng, chồng bắt đầu tỏ ra chán chị, thi thoảng có người nói bóng gió cho rằng chị là đồ không biết đẻ.
Chỉ xét nghiệm ADN mới biết nguyên nhân
“Tôi quyết định chia tay. Ít lâu sau đó anh ấy lấy vợ mới và sinh được con luôn. Tôi rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Một lần nghe người quen giới thiệu, tôi tìm đến một trung tâm để xét nghiệm ADN. Lúc này tôi mới biết mình sẽ khó có thể làm mẹ được vì bị lỗi nhiễm sắc thể giới tính”- chị Trang kể lại.
Hai năm sau, chị Trang đi bước nữa. Chồng chị biết rõ hiện trạng sức khỏe của vợ nên anh đã thuyết phục chị nhận con nuôi. Đến giờ, cô con gái nuôi của chị Trang đã vào học lớp 1. Nhắc lại quãng thời gian chung sống với người chồng đầu tiên, chị Trang không còn quá buồn bã nữa.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN Gentis cho rằng những trường hợp như chị Trang không phải là hiếm gặp. Sảy thai có nhiều nguyên nhân, trong đó ngoài vấn đề nội tiết, bất thường giải phẫu tử cung thì có đến 50% là do di truyền - mẹ hoặc bố có bất thường về nhiễm sắc thể. Người mẹ bị lỗi nhiễm sắc thể giới tính, bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể cũng khó có con được; tương tự với nam giới có gene vô sinh.
Ông Quân cũng cho biết thêm, có trường hợp hai vợ chồng đi khám tổng thể, bác sĩ kết luận hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường có khả năng sinh sản thế nhưng họ đã làm đủ mọi cách mà không thể nào có con. Chỉ đến khi làm xét nghiệm di truyền thì biết người chồng bị vô sinh.
“Trên nhiễm sắc thể Y có gene AZF, trong gene này có 3 yếu tố gene a, b, c - yếu tố sản sinh tinh trùng. Những nam giới bị đứt đoạn cả hai yếu tố a và b hoặc một trong hai yếu tố này thì khả năng vô sinh cao, yếu tố c thì thấp hơn nhưng vẫn có thể có con được” – ông Quân nhấn mạnh.
Theo ông Quân thì những trường hợp này nếu tiến hành sàng lọc di truyền trước hôn nhân thì có lẽ bản thân người trong cuộc cũng sẽ chuẩn bị sẵn tinh thần xin con nuôi, xin trứng… Với những phụ nữ họ sẽ không phải chịu những đau khổ, dằn vặt do việc mất con.
Nhận xét
Đăng nhận xét