HPV lây lan bằng cách nào?

Nhiễm một số type nhất định của một loại virus thường gặp là HPV có thể gây ra nhiều bệnh lý ở vùng sinh dục, bao gồm ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung là gánh nặng bệnh lý lớn nhất do nhiễm HPV.


Human Papilloma Virus (Nguồn GSK)

Có nhiều type HPV khác nhau, một số type được gọi là HPV sinh ung thư hoặc HPV nguy cơ cao bởi vì chúng có thể gây ra tình trạng nhiễm dai dẳng mãn tính và nếu đi kèm với các yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến ung thư. HPV 16 và HPV 18 là hai type gây ung thư cổ tử cung thường gặp nhất. Kế tiếp là các type HPV 31, 33, 45. Đây là 5 tuýp HPV sinh ung thư thường gặp nhất.

Hầu hết các tình trạng nhiễm HPV sinh dục đều tự lành. Một số trường hợp virus không được đào thải hết, sẽ xuất hiện các biến đổi trên các tế bào cổ tử cung, nếu như không được điều trị có thể dẫn đến các thương tổn tiền ung thư, và cuối cùng tiến triển đến ung thư. Thường mất nhiều năm để tiến triển đến ung thư cổ tử cung. Trong những trường hợp hiếm gặp, nó có thể tiến triển nhanh hơn.

Bệnh lây lan bằng cách nào?

HPV sinh dục lây lan một cách dễ dàng thông qua tiếp xúc trực tiếp qua da, trong hầu hết các dạng hoạt động tình dục với một người đã bị nhiễm virus.

Người bệnh có thể lây truyền virus HPV cho người khác mà không hề biết rằng bản thân đang bị nhiễm virus đó, vì họ không hề có triệu chứng.

Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn quan tâm về nguy cơ nhiễm HPV hoặc ung thư cổ tử cung.
Những ai có nguy cơ bị nhiễm bệnh?

Những ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Có từ 50 – 80% những người có hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm HPV sinh dục tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Hầu hết các tình trạng nhiễm virus đều tự lành. 5 type HPV nguy cơ cao 16, 18, 31, 33, 45 là thủ phạm trong hơn 80% trường hợp ung thư cổ tử cung.

Nếu như có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến nhiễm virus HPV, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ về các tình huống mà gia đình bạn gặp phải.

Các triệu chứng của HPV?

Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không gây ra triệu chứng và cuối cùng sẽ tự biến mất, do đó người nhiễm có thể không biết là họ đã bị nhiễm. Ở một số phụ nữ, việc nhiễm các loại HPV nguy cơ cao có thể dẫn đến những sự biến đổi tế bào ở cổ tử cung, nếu như không được điều trị có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm phiến đồ âm đạo sẽ giúp tìm ra những biến đổi tế bào bất thường ở cổ tử cung. Việc tiến hành phết tế bào âm đạo một cách thường quy là rất quan trọng, vì chúng có thể cho chúng ta một cảnh báo sớm rằng ung thư có thể phát triển trong tương lai.

Các khuyến cáo về việc tiêm vắc-xin

Tại Việt Nam, việc tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung được khuyến cáo ở những bé gái và phụ nữ 9,10-25,26 tuổi đã hoặc chưa có quan hệ quan hệ tình dục. Ở một số quốc gia, việc tiêm vắc-xin HPV cũng được khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

Vắc-xin HPV bao gồm 3 mũi, thường được tiêm trong khoảng thời gian 6 tháng. Điều quan trọng là đối tượng cần được tiêm đầy đủ cả ba mũi vắc-xin mới có thể được bảo vệ chống lại tình trạng nhiễm HPV.

Các vắc-xin ngừa HPV hiện tại không giúp bảo vệ chống lại tất cả các tuýp HPV gây ra ung thư. Chúng cũng không có bất cứ tác dụng nào lên tình trạng nhiễm HPV xuất hiện trước khi tiêm vắc-xin. Do đó, việc làm phiến đồ âm đạo được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ có hoạt động tình dục, thậm chí khi họ đã có tiêm phòng vắc-xin.

Chủng ngừa vắc-xin song song với tầm soát bằng phiến đồ âm đạo là biện pháp hữu hiệu để ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin. Vui lòng thảo luận với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn về những vấn đề bạn quan tâm và thông báo cho họ biết nếu bạn hoặc người thân của bạn xuất hiện các triệu chứng của các tác dụng phụ vì trong nhiều trường hợp có thể phải cần điều trị.

Nhận xét