Số trẻ mắc dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng




Bộ Y tế đề nghị tất cả các địa phương cần quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch tay chân miệng, tập trung tại vùng có số mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời tuyên truyền người dân thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch.



Số trẻ mắc dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng rất nhanh tại nhiều tỉnh, thành phía NamTrước tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang bùng phát dữ dội tại các tỉnh, thành phía Nam làm nhiều trẻ mắc bệnh và tử vong, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh TCM nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị tất cả các địa phương cần quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch TCM, tập trung tại vùng có số mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời tuyên truyền người dân thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch. Sở y tế các tỉnh cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh TCM, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.

Đối với các bệnh viện phải tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Ngoài ra, cần thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo, đặc biệt giữa tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi, viêm đường hô hấp.

Các trường học cần bảo đảm có xà phòng rửa tay, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày của trẻ. Các trường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục phải thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Cuối tháng 9-2018, cả nước ghi nhận trên 53.529 trường hợp mắc TCM, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và có 6 trường hợp tử vong.

Theo Bộ Y tế, bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Biểu hiện của bệnh gồm sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Qua giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến cuối tháng 9-2018, cả nước ghi nhận trên 53.529 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phổ, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc trong cả nước giảm 25,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh chóng như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội... Các chuyên gia dự báo dịch bệnh TCM trong cả nước có xu hướng gia tăng do tính chất dễ lây truyền của bệnh, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới và hiện bệnh chưa có vaccine phòng ngừa.

Nhận xét