Với quan niệm thuốc đông y, thuốc có nguồn gốc từ thảo dược, cây cỏ thiên nhiên luôn an toàn, lành tính và ít tác dụng hơn thuốc tây, nhiều người đã tìm mua và sử dụng đông dược tràn lan, vô tội vạ.
>> xét nghiệm adn ở tphcm: https://xetnghiemadn.com.vn/noi-xet-nghiem-adn-tai-tp-ho-chi-minh.html
Tuy nhiên, đông dược cũng có những tác dụng phụ khó lường nếu không dùng đúng liều, điều trị tùy tiện sẽ dẫn đến những phản ứng, biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Thậm chí, nếu sử dụng phải đông dược không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hoặc bị pha trộn hóa chất, có thể dẫn tới tử vong.
Việc sử dụng thuốc đông y cần phải được sự chỉ dẫn cụ thể của các lương y về liều lượng và cách dùng
Tiền mất, tật mang
Tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các phòng bệnh lúc nào cũng đông kín bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp bị dị ứng với thuốc đông y trong tình trạng rất nặng. Mệt mỏi và đau đớn vì nhiều mảng da trên cơ thể bị phồng rộp, bong tróc, ông Nguyễn Xuân H. (62 tuổi, ở Hưng Yên) cho biết bị đau nhức xương đã vài năm nay, chạy chữa nhiều nơi cũng chẳng đỡ được bao nhiêu. Một người quen đã chỉ ông mua thuốc nam của một thầy lang ở Lạng Sơn. Ông H. sắc uống được mấy thang đầu thì xương cốt đỡ đau, nhưng uống đến thang thứ 10 thì cơ thể nổi ngứa, mẩn đỏ, vài ngày sau thì mẩn đỏ lan rộng khắp người rồi phồng rộp thành từng mảng lớn rất đau, phải nhập viện vì dị ứng nặng.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu để làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, chiếm tới 70% nguồn dược liệu trên thị trường là được nhập từ Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau. Cơ quan chức năng đã phát hiện không ít loại dược liệu giả, kém chất lượng, hoặc bị sao tẩm, trộn lẫn hóa chất.
Cũng là một trong những nạn nhân của việc sử dụng thuốc đông y theo lời “mách bảo” trên facebook, chị Lê Thu M. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải nhập viện trong tình trạng khuôn mặt sưng húp tấy đỏ, nổi mụn, cùng với đó là men gan tăng cao gấp 3 - 4 lần so với bình thường. Theo chị M., sau khi đọc được thông tin về hiệu quả của thuốc nam đối với việc phòng tránh một số bệnh u bướu, cùng với suy nghĩ thuốc từ cây cỏ chẳng có hại gì cả, chị M. đã không ngần ngại bỏ ra hơn 5 triệu đồng mua một số loại thuốc được quảng cáo trên mạng xã hội là chiết xuất từ thảo dược. Tuy nhiên, sau khi uống được hơn 2 tuần, sức khỏe không cải thiện mà còn nhiều dấu hiệu bất thường nguy hiểm, buộc phải vào viện điều trị.
Nhiều bác sĩ y học cổ truyền cho biết, phần lớn các bệnh nhân bị dị ứng hay phản ứng với đông dược thường diễn biến chậm, nên khi phát hiện ra thì cũng là lúc bệnh chuyển rất nhanh do trước đó đã sử dụng một lượng lớn thuốc. Thậm chí không ít trường hợp bị biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Mới đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã cứu sống một cụ ông 80 tuổi bị tiểu đường nhiều năm nhưng khi người quen mách bảo, cụ ông này đã chuyển từ việc tiêm Insulin hàng ngày sang uống thảo dược dạng viên được giới thiệu có tác dụng hạ đường huyết tốt, rẻ tiền, dễ mua. Sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân cao tuổi này đã bị các triệu chứng mệt mỏi, ói mửa kéo dài, không ăn uống được và khi vào bệnh viện cấp cứu, bệnh đã chuyển sang suy thận cấp và toan máu nặng.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Trao đổi với chúng tôi, một lương y nổi tiếng tại Hà Nội thẳng thắn cho biết, đối với các loại thuốc nam hay thuốc có nguồn gốc đông dược thường là lành tính, song cũng có nhiều vị thuốc là độc dược, cần có sự kết hợp với các vị thuốc khác để trung hòa chất độc và phát huy đúng tác dụng. Hơn nữa, nếu người dùng không biết cách sử dụng mà chỉ nghe người này, người kia mách bảo với những loại thuốc không xác thực thì rất nguy hiểm. Bởi lẽ không phải ai cũng dùng được đông dược vì còn tùy thuộc vào từng cơ địa, nhất là những người dễ mẫn cảm.
Trong khi đó, là người từng điều trị cho nhiều bệnh nhân bị dị ứng thuốc rất nặng, Tiến sĩ Phạm Huy Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, cho biết thuốc nào cũng có thể gây dị ứng cho người bệnh. Tuy nhiên, với những loại thuốc đông y, hay thuốc nguồn gốc từ đông dược, nếu sử dụng bừa bãi, không có chỉ dẫn liều lượng cụ thể thì nguy cơ gây dị ứng, phản ứng cho bệnh nhân rất lớn. Tiến sĩ Phạm Huy Thông cảnh báo, biểu hiện của dị ứng, phản ứng với thuốc có nhiều dạng như mẩn ngứa, nổi ban, mề đay, đến những trường hợp nặng như nhiễm độc da gây phồng rộp, lở loét. Trong đó đáng lưu ý, việc điều trị những trường hợp nhiễm độc da do dị ứng nặng thì cần nhiều thời gian và rất tốn kém.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi dùng thuốc gì cũng cần tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu dùng thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc, cần đến các phòng mạch của các lương y đã được cơ quan chức năng cấp phép, tránh mua thuốc về dùng theo kiểu mách bảo, truyền miệng về công dụng, vì trên thực tế, bất cứ thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng khó lường.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần cảnh giác với các loại dược liệu, đông dược được quảng cáo trên mạng xã hội, cũng như không nên mua dược liệu trôi nổi trên thị trường, cần lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và trên bao bì phải có đầy đủ thông tin tên dược liệu, cơ sở sản xuất, chỉ tiêu chất lượng, cùng số đăng ký.
Nhận xét
Đăng nhận xét