4 điều cần lưu ý sau khi nhổ răng khôn



Răng khôn là răng cối lớn thứ ba, mọc trong độ tuổi từ 17 và 25. Mỗi người thường có 4 răng khôn ở 4 phần hàm. Sở dĩ gọi là răng khôn vì răng mọc trong độ tuổi đã trưởng thành, con người đã khôn lớn và biết nhận thức.


Tại sao răng khôn hay mọc kẹt, mọc ngầm

Răng khôn thường mọc trong độ tuổi xương hàm đã ngừng tăng trưởng và phát triển, xương trở nên cứng đặc hơn. Sự tăng trưởng và phát triển của hàm dưới trong giai đoạn mọc răng khôn theo hướng xuống dưới và ra trước. Mặt khác, chế độ ăn mềm của người hiện đại làm giảm sự phát triển của xương hàm. Những yếu tố này góp phần làm mất cân xứng giữa răng và kích thước xương hàm, dẫn đến tình trạng hay mọc ngầm, mọc kẹt của răng khôn.


Thời điểm nhổ răng khôn tốt nhất là từ 18 đến 25 tuổi, khi chân răng hình thành được 2/3.


Biến chứng bởi răng khôn mọc kẹt

Răng khôn kẹt trong xương hàm hoặc nướu răng, quá trình mọc răng sẽ gây áp lực lên vùng xương và nướu, kết hợp với việc thức ăn đọng bên dưới nướu phủ trên răng khôn không thể làm sạch được. Điều này dẫn đến phản ứng viêm, đau và nhiễm trùng.

Răng khôn mọc ở góc độ sai, sẽ tạo khe hẹp bất thường với răng bên cạnh. Điều này gây nhồi nhét thức ăn và lắng đọng vi khuẩn. Vị trí phía sau của răng khôn trong miệng khó có thể làm sạch bằng bàn chải và chỉ nha khoa dẫn đến sâu răng bên cạnh và gây bệnh nha chu răng bên cạnh.

Áp lực mọc răng khôn có thể gây ra tiêu ngót chân răng của răng bên cạnh. Răng khôn có thể thoái hóa thành u, nang bệnh lý trong xương hàm, làm yếu xương hàm.

Thời điểm nào nhổ răng khôn là tốt nhất

Thời điểm nhổ răng khôn tốt nhất là từ 18 đến 25 tuổi, khi chân răng hình thành được 2/3. Có thể nhổ răng khôn khi 35 tuổi. Nếu trên 35 tuổi nhổ răng khôn, khi đó xương cứng hơn, đặc hơn gây khó khăn khi phẫu thuật. Mặt khác một số yếu tố toàn thân và tại chỗ cũng không cho phép can thiệp nhổ răng khôn. Quá trình lành thương, hậu phẫu cũng kéo dài và không thuận lợi.

Khi nào nên nhổ răng khôn

– Khi việc mọc răng khôn gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận.

– Khi răng khôn chưa gây ra biến chứng, nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, tương lai sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ răng khôn để ngăn ngừa biến chứng.

– Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện. Điều này tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.

– Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu, nhưng hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.

– Bản thân răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng.

– Nhổ răng khôn để chỉnh hình, làm răng giả, hoặc răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác cũng nên được nhổ bỏ.

Khi nào nên để lại răng khôn không nhổ

– Không phải tất cả răng khôn cần phải nhổ. Một chiếc răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt bởi mô xương và nướu, không gây biến chứng, thì có thể được giữ lại miễn là bệnh nhân dùng chỉ tơ nha khoa và bàn chải để làm sạch một cách triệt để.

– Bệnh nhân có một số bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông cầm máu…

– Răng khôn liên quan trực tiếp đến một số các cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh… mà không thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt để thực hiện.

Làm gì trước khi nhổ răng khôn

Bệnh nhân nên làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang theo chỉ định trước can thiệp. Trình bày các bệnh lý toàn thân cũng như các thuốc đang sử dụng hiện có cho bác sĩ nhổ răng biết.

Trước ngày nhổ răng nên nghỉ ngơi, ngủ sớm, tránh các chất kích thích như bia, rượu thuốc lá… Lấy vôi răng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước nhổ răng để tránh nhiễm trùng.

Nên can thiệp vào buổi sáng, ăn sáng trước khi nhổ răng. Tâm lý thoải mái, thư giãn, không nên căng thẳng và lo sợ. Bệnh nhân dưới 18 tuổi và trên 60 tuổi nên có người nhà đi cùng.

Lưu ý sau khi nhổ răng khôn

Sau nhổ răng khôn, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ lời dặn dò của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ theo toa để hậu phẫu và lành thương được thuận lợi.

4 triệu chứng bệnh nhân hay gặp sau nhổ răng là sưng, đau, sốt và chảy máu.

– Sưng: Là đáp ứng viêm của cơ thể với sang chấn khi nhổ răng, sưng ít hay nhiều phụ thuộc vào mức độ can thiệp và cơ địa mỗi người. Tình trạng sưng thường diễn ra trong khoảng 2 ngày đầu sau nhổ răng sau đó giảm dần. Để ngăn ngừa hoặc giảm bớt tình trạng sưng bệnh nhân nên uống thuốc theo toa, chườm lạnh vào chỗ sưng nhiều lần trong ngày đầu, mỗi lần khoảng 15 phút, chườm nóng vào chỗ sưng vào ngày thứ hai sau nhổ răng.

– Đau: Xảy ra khi thuốc tê hết tác dụng, tình trạng đau phụ thuộc vào mức độ can thiệp và ngưỡng đau của mỗi cá nhân. Đau xảy ra trong khoảng 3 ngày sau nhổ răng, sau đó giảm dần. Để giảm đau, bệnh nhân nên uống thuốc theo toa, các biện pháp làm giảm sưng cũng làm giảm đau.

– Sốt: Ngày đầu sau nhổ răng, bệnh nhân sẽ có sốt. Tuy nhiên, đây chỉ là đáp ứng của cơ thể chứ không phải là nhiễm trùng. Sốt thông thường sẽ không kéo dài quá ngày thứ hai. Bệnh nhân nên uống thuốc theo toa để giảm sốt.

– Chảy máu: Cắn chặt bông gòn trên ổ răng sau nhổ 30 phút để giúp cầm máu, nếu máu tiếp tục chảy thì cắn thêm gạc cho đến khi máu ngừng hắn. Có thể xuất hiện nước bọt có lẫn máu hồng nhạt một đến 2 ngày sau nhổ răng. Bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp duy trì cục máu đông như không súc miệng mạnh, khạc nhổ mạnh trong vòng 6 giờ sau nhổ răng, không súc nước muối, không mút, đưa lưỡi hoặc vật lạ vào ổ răng để thăm dò, ăn nhai bên phần hàm không có răng nhổ, vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng tại ổ răng, ăn thức ăn mềm, nguội trong 24 giờ sau nhổ răng

Lưu ý là nếu tình trạng sưng, đau, sốt, chảy máu kéo dài, trầm trọng và không kiểm soát được thì nên tái khám lại bác sĩ chuyên khoa.


Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy

Nhận xét