Trao nhầm con từ 6 năm trước tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì

Sinh con ra và chăm sóc, nuôi nấng, nhìn con lớn lên từng ngày là điều mà tưởng như hiển nhiên ở mỗi gia đình, thế nhưng vấn đề trao nhầm con tại bệnh viện lại khiến rất nhiều gia đình hoang mang, lo lắng. Gần đây nhất, vụ việc trao nhầm con ở Ba Vì đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Ngày 19/7 vừa qua, bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã tổ chức lễ trao lại con cho hai bên gia đình.

Bệnh viện công khai mức đền bù cho hai gia đình trong lễ trao lại con

Trong buổi gặp mặt và trao nhận hai cháu bé trong vụ việc trao nhầm con từ 6 năm trước tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì, cả hai gia đình đã thống nhất với bệnh viện về thỏa thuận đền bù mà bệnh viện đưa ra, đồng thời thực hiện ký cam kết trao trả hai cháu về với gia đình thực sự của mình.

Trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận về mức hỗ trợ của bệnh viện đến hai bên gia đình, bệnh viện Đa khoa Ba Vì sẽ đã thanh toán toàn bộ chi phí thực hiện xét nghiệm gen xác định mối quan hệ huyết thống của hai cháu bé với cha mẹ cùng với toàn bộ chi phí đi lại, phụ phí phát sinh trong suốt quá trình xác minh với tổng chi phí là 47 triệu đồng.
trao lại con
Cùng với đó, bệnh viện cũng đưa ra mức hỗ trợ hai gia đình với số tiền 150 triệu đồng để chăm sóc và nuôi dưỡng hai cháu. Sau khi thỏa thuận, hai gia đình cùng cam kết trao trả các con về với gia đình máu thịt của mình, cam kết sẽ không có kiện cáo hay khiếu nại gì về sự việc này.

Cán bộ tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì cũng cho biết, bệnh viện đã đề nghị các cơ quan hành chính là Sở Tư Pháp TP. Hà Nội, Phòng tư pháp huyện Ba Vì tiếp nhận tài liệu và hỗ trợ hai gia đình nhanh chóng hoàn tất các thủ tục tư pháp để hai cháu được trở về với cha mẹ đẻ và kịp chuẩn bị bước vào năm học mới. Bệnh viện cũng sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí làm thủ tục này với cơ quan tư pháp.

Trong buổi lễ trao nhận, đại diện ban lãnh đạo bệnh viện cũng đã gửi tới hai gia đình lời xin lỗi và mong muốn sẽ được cùng gia đình phối hợp, chăm sóc, nuôi dạy hai cháu. Bệnh viện cũng hứa sẽ tạo điều kiện chăm sóc và chữa trị vấn đề về mắt cho cháu Đoàn Nhật M.

Cuộc đoàn tụ không biết nên vui hay nên buồn

Chia sẻ của anh Sơn trong buổi lễ trao nhận

Chia sẻ trong buổi lễ, anh Phùng Giang Sơn - cha của một trong hai cháu cho biết, anh và gia đình hoàn toàn đồng ý với phương án và số tiền hỗ trợ mà bệnh viện Đa khoa Ba Vì đưa ra. Gia đình anh mong được các ban ngành, đoàn thể quan tâm và giúp đỡ hoàn tất thủ tục để các cháu có thể kịp thời nhập học trong năm học mới.

“Sự việc xảy ra rồi, tôi cũng không mong muốn phải làm rõ ai đúng, ai sai nữa mà giờ phải suy nghĩ về các con, các cháu sau này. Trong thời gian qua, việc nhận con đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, cuộc sống của các cháu cũng như cả hai bên gia đình, chính vì thế tôi rất mong sự việc sẽ sớm được kết thúc tại đây”, anh Sơn chia sẻ.

Gia đình anh Sơn cũng gửi lời cảm ơn đến Bộ, Sở y tế cùng các cơ quan pháp lý TP. Hà Nội đã chỉ đạo, hỗ trợ cho hai gia đình tìm được con đẻ của mình để hai cháu có thể đoàn tụ với cha mẹ đẻ, anh cũng mong các cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp, quan tâm đến hai cháu trong thời gian tới để hai cháu sớm hòa hợp, ổn định tâm lý, làm quen với gia đình mới.
trao lại con

Hàng nước mắt chảy dòng của người mẹ đơn thân

Trong suốt buổi lễ trao nhận con, chị Vũ Thị Hương - mẹ của một trong hai cháu bé không dấu nổi xúc động, hai dòng nước mắt không ngưng. Chị cho biết, chị không có ý kiến gì về khoản tiền hỗ trợ từ phía bệnh viện, tuy nhiên chị muốn có thêm thời gian để hai cháu có thể hòa hợp với cuộc sống mới sắp tới của mình: “Tôi rất vui vì tìm được con ruột của mình, thế nhưng suốt 6 năm qua tôi nuôi dưỡng cháu M, bản thân tôi coi cháu như con ruột thịt của mình, nay phải xa cháu thực sự tôi rất buồn, khổ tâm. Tôi mong muốn thời gian tới, dù hai cháu về với gia đình thực sự của mình thì vẫn được gia đình anh Sơn, chị Hiền tạo điều kiện để đi lại, quan tâm tới cháu”, chị Hương nghẹn ngào.

“Đêm qua tôi không thể chợp mắt, tôi đã phải làm tâm lý cho con rất nhiều lần, hiện con vẫn chưa chấp nhận gia đình mới và thường nổi cáu mỗi khi đề cập đến vấn đề này. Từ trước đến nay M. Chỉ sống và gắn bó với mỗi mình tôi, cháu rất ít tiếp xúc với người lạ chính vì thế sự việc đường đột có thể gây bất ổn tâm lý cho M. Đây chính là lý do từ trước đến nay tôi trì hoãn việc trao trả con”, chị Hương nói.

“Mẹ ơi, cứu con”- Tiếng gào thét như cắt từng khúc ruột

Sau buổi lễ trao nhận, khi bé M được bố mẹ đẻ đưa lên xe để trở về nhà, bé M không khỏi khóc: “mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ cứu con…”. Tiếng gào thét xé lòng của bé không khỏi làm chị khóc nức nở. Mặc dù đã tìm lại được con đẻ của mình, thế nhưng bao nhiêu yêu thương trong suốt bấy nhiêu năm trời làm sao nguôi ngoai.

“Dù đã cố gắng tĩnh tâm nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện này, tôi đều khóc, không thể bình tĩnh. 6 Năm một quãng thời gian rất dài để mẹ con gắn bó, yêu thương nhau. Giờ phải xa con, tôi cũng không biết mình sẽ sống như thế nào”, chị Hương vừa nói vừa nức nở.

Hai gia đình sẽ thay phiên nhau nuôi con

Những giấy tờ, đồ đạc của M chị Hương vẫn đang giữ, hai gia đình dự kiến sẽ cho hai con học cùng trường khi vào lớp 1. Hai gia đình dự tính sẽ luân phiên nuôi các con cho đến khi cả hai con ổn định tâm lý để sẵn sàng sống với gia đình máu thịt của mình.

Ông Phùng Văn Phượng (bố đẻ anh Sơn) cũng chia sẻ: “Tôi coi hai cháu như cháu nội của mình và coi Hương như con gái. Dù gì thì giờ chúng tôi cũng rất vui vì mỗi gia đình đều có hai đứa con”.

Sự việc trao nhầm con từ 6 năm trước tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì không phải là trường hợp duy nhất trao nhầm con từ trước đến nay ở nước ta. Việc phát hiện trao nhầm con này không khỏi khiến các sản phụ và các gia đình hoang mang. Những rủi ro không đáng có này có lẽ nếu không được phát hiện và làm giám định ADN, thì sự thật này đã cứ thế bị chôn vùi với câu hỏi “sao con không giống ai trong gia đình?”.

Nhận xét