Một số biến chứng về tổn thương trên da liên quan đến bệnh tiểu đường


Bệnh tiểu đường có thể tác động đến làn da của bạn. Nhiều tổn thương trên da liên quan đến bệnh tiểu đường là do các mạch máu cung cấp máu cho da bị tổn thương.


Trên thực tế, các chuyên gia y tế đều khuyên bệnh nhân tiểu đường cần chăm sóc da thật tốt. Để loại bỏ các vấn đề về da cũng đòi hỏi phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu (glucose).


Các vấn đề về da phát sinh do lượng đường trong máu cao, giảm sự nhạy cảm của dây thần kinh và sự tuần hoàn máu kém. Ngoài ra, mất nhiều chất lỏng từ cơ thể do lượng đường trong máu cao cũng có thể khiến da trở nên khô và dẫn đến ngứa.




Những người bị tiểu đường cũng có xu hướng dễ bị nhiễm trùng da (cả vi khuẩn và nấm) ở bất kì vùng nào trên cơ thể, đặc biệt là ở giữa các ngón chân, móng tay và trên da đầu.

Nếu không được điều trị kịp thời, các vấn đề về da dù nhỏ cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bởi vì bệnh tiểu đường làm chậm quá trình tự chữa bệnh trong cơ thể. Đây là lý do tại sao việc tìm hiểu về các vấn đề phổ biến về da liên quan đến bệnh tiểu đường lại rất quan trọng. Chẩn đoán kịp thời có nghĩa là tăng cơ hội điều trị tốt hơn và giảm những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh.





Dưới đây là một số biến chứng về tổn thương trên da liên quan đến bệnh tiểu đường mà mọi người cần nắm được.

1. Bệnh gai đen (Acanthosis Nigricans - da nách, cổ, háng bị xạm và dày)




Vấn đề về da này được đặc trưng bởi biểu hiện sẫm màu và dày hơn ở làn da chỗ nếp nhăn ở cổ. Ngoài phần sau cổ, bệnh có thể ảnh hưởng đến da vùng nách và háng của bạn. Trong một vài trường hợp ít gặp, bệnh có thể ảnh hưởng đến các vùng da khác như mặt, bên trong bắp đùi, khuỷu tay, đầu gối và rốn...

Những người béo phì mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Giảm cân là cách tốt nhất để giảm rủi ro đó.

Ngoài ra, những người bị rối loạn nội tiết, ung thư nội mạc tử cung (đặc biệt là ung thư dạ dày) và các bệnh nhân cấy ghép thận cũng có thể bị chứng acanthosis nigricans.

2. Bệnh hoại tử mỡ do tiểu đường (Necrobiosis Lipoidica Diabeticorum)




Bệnh này thường ảnh hưởng đến chân dưới với biểu hiện da mờ đục dần, chuyển sang màu đỏ và nổi lên bề mặt da. Sau một thời gian, nó trông giống như vết sẹo sáng bóng với đường viền màu tím. Các mạch máu dưới da có thể dễ dàng nhìn thấy.


Trong trường hợp nặng, tổn thương có thể bị loét và trở nên ngứa và đau, tùy thuộc vào mức độ kiểm soát mức đường trong máu của bạn.

3. Bệnh đa xơ cứng (Digital Sclerosis)




Những người bị bệnh đái tháo đường tuýp 1 có thể bị chứng đa xơ cứng, có nghĩa là da dày, cứng, bề mặt da như sáp và phát triển ở mu bàn tay. Ngoài ra, các khớp của các ngón tay trở nên cứng và khó cử động.

Cùng với da ở mu bàn tay, da trên ngón chân và trán cũng có thể bị ảnh hưởng, đôi khi là biểu hiện dày da ở mặt, vai và ngực.

Giữ ẩm cho da có thể hạn chế tình trạng này nhưng kiểm soát mức đường trong máu của bạn là cách duy nhất để điều trị bệnh hiệu quả.

4. Bệnh u vàng phát ban (Eruptive Xanthomatosis)




Bệnh tiểu đường không kiểm soát có thể gây ra bệnh u vàng phát ban, được đặc trưng bởi dấu hiệu da vàng, mụn mủ nhỏ như hạt đậu tương... Những vết sưng nhỏ này có một quầng sáng màu đỏ xung quanh và gây ngứa.

Ngoài bệnh tiểu đường, những người có cholesterol cao và triglyceride rất cao cũng có nguy cơ cao phát triển bệnh này.


Nếu bạn bị tiểu đường, hãy cố gắng giảm mức đường huyết xuống, vì đây là cách điều trị chính cho bệnh.

5. Mụn nước (Bullosis Diabeticorum)




Những mụn nước này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc có thêm các đám đổi màu và giống như vết bỏng. Tuy nhiên, những triệu chứng này không gây ra cảm giác quá đau đớn.

Những người bị tiểu đường nặng và bệnh thần kinh đái tháo đường có nguy cơ cao bị mụn nước. Giống như bất kỳ dạng mụn nước nào, các vết loét tiểu đường có thể gây nhiễm trùng nếu không được xử lý kịp thời. Giữ kiểm soát mức đường trong máu là cách điều trị duy nhất giúp bệnh mau thuyên giảm.

6. Bệnh teo da đái tháo đường (Diabetic Dermopathy)




Nó thường xuất hiện trên da ở vùng cẳng chân có những nốt hình tròn hoặc hình oval, màu nâu sáng, có thể có đốm vảy. Những đốm vảy này không đau, không chảy dịch và không ngứa.

Cũng giống như các bệnh khác liên quan đến bệnh tiểu đường, nếu kiểm soát tốt lượng đường trong máu thì sẽ giảm thiểu tác hại của bệnh teo da đái tháo đường.

7. Bệnh u hạt vòng (Disseminated Granuloma Annulare)




Đây là một vấn đề phổ biến ở da ở người bị tiểu đường. Các vết thương này thường phát triển trên ngón tay và tai, có thể gây ngứa nhẹ. Trong một số trường hợp, có thể xảy ra ở ngực và bụng hoặc khắp trên cơ thể.

Một khi mức đường trong máu được kiểm soát, những vết này thường tự biến mất mà không để lại sẹo. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể tham khảo tư vấn của bác sĩ để dùng một loại thuốc bôi như hydrocortisone.

8. Bệnh phù cứng bì do tiểu đường (Scleredema Diabeticorum)




Nó được đặc trưng bởi sự dày lên của da ở vùng lưng trên và phần sau của cổ. Nó cũng có thể xảy ra trên mặt, cổ và thân. Vùng da bị cứng lại có thể có màu hơi đỏ hoặc nâu.

Bệnh thường tiến triển chậm trong nhiều năm. Càng để lâu, vùng da này càng giảm sự nhạy cảm và dẫn đến hạn chế khả năng vận động ở cổ và vai. Để chẩn đoán chính xác tình trạng này, bác sĩ khuyên bạn nên tiến hành sinh thiết da.




Lời khuyên chăm sóc da cho người bị tiểu đường:

- Phương pháp điều trị tốt nhất cho hầu hết các bệnh về da liên quan đến bệnh tiểu đường là kiểm soát lượng đường trong máu thông qua một chế độ ăn uống phù hợp và có lối sống lành mạnh.

- Cẩn thận lau khô các vùng da giữa các ngón chân, dưới cánh tay và bất cứ vị trí nào có nếp gấp sau mỗi lần tắm, rửa tay chân...

- Sử dụng kem dưỡng ẩm có chất lượng tốt để giữ cho làn da của bạn mềm và giữ nước. Tốt nhất là sử dụng kem giữ ẩm ngay sau khi tắm để giúp kem ngấm sâu vào da.

- Uống đủ nước để giữ cho cơ thể được giữ nước, đặc biệt là làn da.

- Luôn luôn mặc đồ lót thoáng, được làm từ bông để thoáng khí.

- Đi tất và giày thoải mái để chăm sóc da chân của bạn.

- Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

- Luyện tập thể dục đều đặn. Mục tiêu là tập 30 phút cho bài tập tim mạch và tập 5 ngày/tuần.

- Theo dõi mức đường trong máu của bạn thường xuyên.

- Tránh làm xước da, nhất là khi da bị khô vì có thể gây ra thương tổn và dẫn đến nhiễm trùng.

- Xử lý vết thương ngay lập tức dù nhỏ đến đâu.

- Tránh tắm nước quá nóng vì có thể dẫn đến khô da.

- Nếu nhận thấy có bất kì dấu hiệu bất thường nào, hãy đi khám bác sĩ ngay.

Nhận xét