Rối loạn tiêu hóa là một hiện tượng chung chung nói về bộ phận tiêu hóa hoạt động không bình thường, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ chiếm cao nhất là trẻ em và người có tuổi.
Rối loạn tiêu hóa là một hiện tượng chung chung nói về bộ phận tiêu hóa hoạt động không bình thường, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ chiếm cao nhất là trẻ em và người có tuổi. Tùy theo từng thể bệnh có phương pháp điều trị và phòng ngừa khác nhau.
Rối loạn tiêu hóa là gì?
Hệ thống tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn) có nhiệm vụ lọc bỏ các chất thải và hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết. Rối loạn tiêu hóa có thể gây ra một số triệu chứng không mong muốn, làm người bệnh khó chịu, thậm chí là do bệnh lý.
Khi bị rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng do sự co thắt bất bình thường của các cơ trơn trong hệ tiêu hóa làm xuất hiện các triệu chứng khác nhau (chán ăn, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, đi lỏng, ra máu hoặc táo bón…), triệu chứng hoặc đơn lẻ hoặc phối hợp. Các triệu chứng xuất hiện có thể thỉnh thoảng hoặc liên tục. Hầu hết rối loạn tiêu hóa là không nguy hiểm chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên có những trường hợp rối loạn tiêu hóa do bệnh lý trở nên trầm trọng như đi ngoài ra máu (nhiều nguyên nhân khác nhau), táo bón kéo dài hoặc tiêu chảy cấp do vi sinh vật gây bệnh sinh ra (lỵ, Rotavirus)... Lúc này rối loạn tiêu hóa không đơn giản như một số người tưởng.
Những thể bệnh thường gặp gây rối loạn tiêu hóa
Đầy bụng, chướng hơi, ợ hơi, ợ chua, đắng miệng, hôi miệng, thậm chí buồn nôn hoặc nôn... Đó là các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhiều nhất do rối loạn nhu động ruột bởi ăn uống không đảm bảo vệ sinh gây ngộ độc thực phẩm hoặc do mắc phải hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh lý dạ dày- tá tràng (viêm loét, ung thư…) hoặc bị nhiễm giun, nhất là giun đũa, giun kim hoặc giun móc (mắc bệnh nhiễm giun móc. Bệnh thường có biểu hiện tương tự như bệnh viêm loét dạ dày- tá tràng) kèm theo phân đen. Rối loạn tiêu hóa trong các trường hợp này liên quan mật thiết với bệnh lý cụ thể cần được xác định bằng cách khám bệnh toàn diện.
Tiêu chảy, có thể chỉ là tiêu chảy thường do thiếu men tiêu hóa hoặc có thể do loạn khuẩn bởi sử dụng kháng sinh bừa bãi làm mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột hoặc gặp ở viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt hoặc hội chứng ruột kích thích... Tiêu chảy có thể là do bệnh lý nhiễm khuẩn (tiêu chảy do E.coli hoặc do lỵ trực khuẩn (Shigella) hoặc do lỵ amip).
Táo bón là một bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, ở trẻ thường do chế độ ăn uống không hợp lý hoặc uống sữa bột hay một số trẻ do bệnh lý ở đường ruột (bệnh phình đại tràng bẩm sinh), có thể do ít được vận động cơ thể (bồng bế suốt ngày). Ở người lớn, táo bón do uống ít nước, ít hoặc không vận động cơ thể hoặc do chế độ ăn uống (nghiện rượu, ăn ít rau hoặc không ăn rau, không có thói quen ăn canh hoặc các loại trái cây chín). Táo bón ở người lớn có thể do bị trĩ bởi vì mỗi lần đi ngoài phải rặn nhiều, càng rặn máu tươi càng chảy ra, kèm theo nhiều đau đớn, vì vậy, người bệnh rất sợ đi ngoài thậm chí nhịn đại tiện, từ đó gây táo bón. Càng sợ đi ngoài càng bị táo bón và không thể nhịn mãi được, cần đi ngoài, càng phải rặn nhiều, rặn mạnh làm cho bệnh trĩ càng nặng. Vì vậy, đây là một vòng luẩn quẩn: Táo bón làm xuất hiện bệnh trĩ và bệnh trĩ càng nặng càng làm cho người bệnh sợ đi ngoài càng làm bệnh táo tón nặng thêm.
Nên ăn đồ nấu chín để tránh rối loạn tiêu hóa.
Đau bụng là triệu chứng ít khi đơn lẻ, thường có kết hợp và gặp nhiều nhất trong các bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, bệnh lỵ trực khuẩn, nhất là bệnh lỵ amip (kiết lỵ). Tùy theo cá nhân, mỗi loại bệnh và được diễn tả như đau nhẹ, thỉnh thoảng đau bụng hoăc đau bụng dữ dội, liên tục hoặc từng cơn hoặc đau quặn (kiết lỵ, sỏi thận). Đau bụng có thể chỉ lâm râm có khi suốt ngày, đêm (đau dạ dày – tá tràng) nhất là trong bệnh hẹp môn vị do loét dạ dày -tá tràng, loét môn vị, tiền môn vị… Đau bụng có thể chỉ ở trên rốn (thượng vị) hoặc dưới rốn (hạ vị) hoặc đau dọc theo khung đại tràng hoặc đau hố chậu phải (viêm ruột thừa, viêm đại tràng, sỏi niệu quản phải hoặc nữ giới bị u nang buồng trứng xoắn…). Đau cùng một lúc hoặc mỗi ngày đau một chỗ khác nhau. Một số trường hợp đau bụng còn lan ra sau lưng, lên vai, lên ngực (sỏi mật, viêm loét dạ dày) hoặc lan xuống vùng thắt lưng (sỏi thận, niệu quản, sỏi tụy tạng…).
Trong hội chứng rối loạn tiêu hóa, có một số căn bệnh xuất hiện với nhiều triệu chứng từ đầy hơi chướng bụng, khó chịu, chán ăn, đau bụng, táo bón hoặc đi lỏng, phân nát, do lỵ amíp. Vì vậy, với căn bệnh này gây rối loạn tiêu hóa rất đa dạng và việc trị và phòng bệnh gặp không ít khó khăn.
Điều trị như thế nào?
Có thể dùng các loại men vi sinh giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, ổn định đường ruột. Khi bị tiêu chảy cần uống oresol bù nước và điện giải ngay rồi tìm nguyên nhân gây tiêu chảy để từ đó dùng thuốc hợp lý. Nếu là táo bón cần dùng các loại thuốc nhuận tràng như sorbitol, lactulose… Tùy theo từng người bệnh, bác sĩ sẽ phải chữa trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Tuy nhiên trong rối loạn tiêu hóa, thuốc chỉ đóng một vai trò phụ trong việc chữa trị nên chỉ dùng khi thật cần thiết theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Chế độ ăn uống mới đóng vai trò quan trọng.
Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa
Để giúp hệ tiêu hóa có thể ổn định và cân bằng, nên thay đổi chế độ ăn uống của mình nhất là mùa nắng nóng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ăn, uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho tất cả mọi lứa tuổi, với trẻ em (do sức đề kháng chưa hoàn chỉnh), người có tuổi bởi sức đề kháng đã suy giảm do tuổi cao, cần được quan tâm đặc biệt hơn.
Cần ăn chín, không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín (tiết canh, rau sống, nem chua, nem chạo, gỏi…) và không uống nước chưa đun sôi, nhất là các vùng nông thôn, miền núi.
Thực phẩm dùng hàng ngày cần có nguồn gốc rõ ràng, không nên sử dụng các loại thức ăn nghi ngờ nhiễm khuẩn, để trong tủ lạnh quá lâu hay những thức ăn đường phố không rõ xuất xứ.
Đối với những người mắc chứng rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn nhiều các loại chất kích thích (hành, tỏi, ớt, hồ tiêu, mù tạt…), không nên uống rượu, bia, nước giải khát có gas. Sữa rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu đang bị rối loạn tiêu hóa nên hạn chế dùng hoặc kiêng hẳn cho đến khi tiêu hóa bình thường, bởi vì, trong sữa có đường lactoza là thành phần khó tiêu khi bộ phận tiêu hóa không bình thường. Đồng thời nên hạn chế đến mức tối đa sử dụng những món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ.
Nên sử dụng các chất xơ có trong các loại ngũ cốc, rau lá xanh, sa lát và trái cây để giúp điều chỉnh hoạt động ruột, phân sẽ tốt hơn và nhu động ruột sẽ dần dần trở về bình thường. Hơn nữa đây cũng là nguồn cung cấp các vitamin cho cơ thể. Người táo bón nên ăn thêm chuối tiêu, củ khoai lang luộc, nướng, các loại rau giúp giảm táo bón (rau mồng tơi, rau đay, rau khoai lang…).
Với người lớn cần tránh hút thuốc lá vì nó làm tăng nồng độ a-xít và tích khí trong bụng, ảnh hưởng đến nhu động ruột. Vận động cơ thể là điều không nên bỏ qua. Với trẻ em nên cho trẻ vui chơi, chạy nhảy, ngay cả bơi trong sự giám sát của người lớn, không nên bế ẵm suốt ngày (trẻ nhỏ). Người lớn, vận động cơ thể giúp cho khí huyết lưu thông, hệ tiêu hóa nhu động tốt, nhất là với người táo bón bằng các hình thức dễ thực hiện như chơi cầu lông, bơi, nhất là đi bộ. Mỗi ngày nên đi bộ khoảng 60 phút chia làm 2 -3 lần, tuy nhiên không đi bộ vào lúc trời nắng gắt, vừa ăn xong và nên chọn vị trí đi bộ hợp lý tránh va vấp, đụng độ với các phương tiện giao thông.
Nhận xét
Đăng nhận xét